Chính sách toàn diện giúp giảm 96% lượng nhựa rò rỉ ra môi trường

12/10/2024
Share Facebook Share Twitter Share Pinterest

(TN&MT) – Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vừa công bố báo cáo mới cho thấy, các chính sách toàn diện với quy mô toàn cầu nhằm giải quyết toàn bộ vòng đời của nhựa có thể giảm 96% lượng nhựa rò rỉ ra môi trường vào năm 2040.

Trước vòng đàm phán quan trọng của Liên hợp quốc vào tháng 11 tới để thống nhất một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý về ô nhiễm nhựa, báo cáo trên của OECD với tên gọi “Kịch bản chính sách để loại bỏ ô nhiễm nhựa vào năm 2040” đánh giá những tác động của các chính sách đến môi trường và kinh tế nhằm giảm thiểu và cuối cùng là chấm dứt ô nhiễm nhựa.

9rlybwsc3l4zx0gbgd1dq2edp_wkoa14s05obtijgfq.jpg
Các chính sách toàn diện có thể giúp giảm 96% lượng nhựa rò rỉ ra môi trường vào năm 2040

Bằng cách thực hiện kết hợp nhiều chính sách, từ tăng cường quản lý và tái chế rác thải nhựa đến hạn chế sử dụng và rác thải nhựa, các quốc gia có thể đạt được lợi ích to lớn về môi trường và tiết kiệm kinh tế so với những chiến lược kém cân bằng hơn.

Nếu không có các chính sách mạnh mẽ hơn, sản xuất và sử dụng nhựa dự kiến sẽ tăng 70%, từ 435 triệu tấn trong năm 2020 lên 736 triệu tấn vào năm 2040, trong đó chỉ có 6% nhựa đến từ các nguồn tái chế. Đồng thời, rác thải nhựa không được quản lý tốt, tức là nhựa khi hết vòng đời được xử lý không đúng cách hoặc vứt bừa bãi, sẽ tăng 50%, từ 81 triệu tấn vào năm 2020 lên 119 triệu tấn vào năm 2040.

Để hỗ trợ phương pháp tiếp cận toàn bộ vòng đời của nhựa, OECD kêu gọi các chính sách như thuế nhựa và bao bì nhựa, tiêu chí thiết kế sinh thái và tiêu chuẩn sản phẩm, lệnh cấm một số loại nhựa dùng một lần và các chương trình Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất đối với bao bì sản phẩm và hàng tiêu dùng lâu bền.

Bên cạnh đó, cần có thêm các biện pháp can thiệp để giải quyết toàn diện các khía cạnh khác của ô nhiễm nhựa, như giảm thiểu rủi ro liên quan đến ô nhiễm vi nhựa, hóa chất đáng lo ngại, khí thải nhà kính liên quan đến nhựa…

Theo bà Jo Tyndall, Giám đốc Môi trường OECD, nếu các chính sách đầy tham vọng trong toàn bộ vòng đời của nhựa được triển khai trên toàn cầu, có thể gần như loại bỏ ô nhiễm nhựa vào năm 2040. “Cách tiếp cận này không chỉ cải thiện việc thu gom, xử lý và tái chế rác thải nhựa mà còn giảm sản xuất và nhu cầu về nhựa, cũng như thúc đẩy kinh tế tuần hoàn”, bà Tyndall nhấn mạnh.

Mai Anh  07/10/2024 – 17:42


Các tin khác